HƯỚNG DẪN PHÂN LOẠI RÁC THẢI TẠI NGUỒN (TẠI HỘ GIA ĐÌNH) VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH “PHÂN LOẠI RÁC THẢI TẠI HỘ”

Chủ nhật - 15/10/2023 22:56 48 0
HƯỚNG DẪN PHÂN LOẠI RÁC THẢI TẠI NGUỒN (TẠI HỘ GIA ĐÌNH) VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH “PHÂN LOẠI RÁC THẢI TẠI HỘ”(Biên soạn từ Sổ tay truyền thông chống rác thải nhựa và phân loạichất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của Hội LHPN Việt Nam; tài liệu của Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh và tài liệu hướng dẫn ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh của Công ty cổ phần Yuuki Farm)
HƯỚNG DẪN PHÂN LOẠI RÁC THẢI TẠI NGUỒN (TẠI HỘ GIA ĐÌNH) VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH “PHÂN LOẠI RÁC THẢI TẠI HỘ”
I. Quy định của pháp luật đối với hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường
- Điều 60, Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020, có hiệu lực 1/1/2022 và Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2022, có hiệu lực 1/7/2023 quy định hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm: Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định.
- Điều 26, Nghị định 45/NĐ-CP, ngày 7/7/2022 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
II. Các nội dung phân loại rác thải tại nguồn (tại hộ gia đình)
1. Vì sao phải phân loại rác thải tại hộ
Rác không phân loại chỉ là rác - Rác được phân loại và xử lý phù hợp sẽ trở thành tài nguyên
Phân loại rác thải tại hộ có 3 lợi ích sau:
- Thứ nhất, lợi ích về kinh tế
+ Trên 50% rác thải sinh hoạt của gia đình (rác hữu cơ như rau củ quả, thức ăn thừa...) có thể làm phân vi sinh (phân xanh) để phục vụ chăm sóc cây cảnh, trồng rau an toàn
+ 20% rác thải có khả năng tái chế, tái sử dụng được (như chai, lọ nhựa, lon bia...): bán ve chai, tái chế làm các vật dụng trong gia đình như làm chậu trồng hoa, hộp đựng bút...
 + Tiết kiệm được diện tích đất phục vụ chôn lấp rác
+ Giảm được kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý nước rỉ và mùi hôi ở các bãi chôn lấp rác
- Thứ hai, lợi ích về môi trường
+ Giảm được khối lượng rác thải phải chôn lấp, giảm được nước rỉ và mùi hôi, giảm tác động tiêu cực đến môi trường
+ Giảm phát sinh mùi hôi đối với rác thải hữu cơ khi chậm thu gom (vì đã được ủ làm phân vi sinh)
- Thứ ba, lợi ích về xã hội: Góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.
Nếu rác thải sinh hoạt của gia đình, chúng ta không phân loại, xử lý hợp lý mà chúng ta đem đốt thì sẽ phát sinh các khí gây ô nhiễm môi trường như khí cacbonoxit, Dioxin, ảnh hưởng đến sức khỏe: gây khó thở, viêm hô hấp, tăng nguy cơ gây bệnh ung thư; hoặc chúng ta đem vứt rác bừa bãi, thì nước rỉ rác sẽ chảy xuống ao, hồ, kênh mương, rồi ngấm vào nguồn nước, vào đất, mạch nước ngầm; các chất độc hại sẽ tích tụ trong rau, củ quả chúng ta trồng trên đất; tích tụ trong tôm, cá...ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đồng thời, tạo nên những bãi rác tự phát, không hợp vệ sinh, sẽ gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh và cảnh quan môi trường ở khu dân cư.
          2. Các loại rác thải và cách phân loại rác thải tại hộ
Lâu nay hộ gia đình có thói quen là toàn bộ rác thải sinh hoạt của hộ gia đình đều bỏ chung vào một thùng hay một bao lưu chứa và được tập kết cho xe chuyên dụng của Ban Quản lý dịch vụ đô thị thị xã thu gom theo lịch quy định. Vì vậy yêu cầu quan trọng nhất của việc thực hiện phân loại rác thải tại hộ là: hộ gia đình phải dành thời gian, chịu khó và xác định đúng các loại rác thải để phân loại, và xử lý đối với từng loại như sau:
Rác thải sinh hoạt của hộ gia đình, được phân làm 4 loại chủ yếu sau: Rác vô cơ (rác không tái chế); rác hữu cơ; rác tái chế và rác thải nguy hại.
2.1. Vật dụng chuẩn bị
Mỗi hộ gia đình, chuẩn bị: 2 thùng hoặc xô nhựa, 2 bao nhựa:
- 1 thùng/xô nhựa: dùng để đựng rác hữu cơ;
- 1 thùng/xô nhựa dùng để đựng rác vô cơ
- 1 bao nhựa dùng để đựng rác thải tái chế
- 1 bao nhựa dùng để đựng rác thải nguy hại
Lưu ý: các thùng/xô và bao nhựa đều có dán chữ bên ngoài để dễ phân biệt, phân loại và xử lý đúng.
2.2. Các phân loại và xử lý 4 loại rác thải như sau:
* RÁC THẢI VÔ CƠ:  là rác thải không tái sử dụng hoặc tái chế được; chỉ có thể xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Ví dụ như: túi ni lông bẩn, đồ sành sứ, gạch đá, ly, cốc vỡ, các loại vỏ sò; đồ da, cao su, tả em bé, băng vệ sinh ....: được hộ gia đình phân loại, bỏ vào thùng/xô lưu chứa có ghi chữ “RÁC VÔ CƠ”; sau đó tập kết đúng địa điểm, thời gian quy định để xe chuyên dụng của Ban Quản lý dịch vụ đô thị thị xã thu gom theo lịch.
* RÁC THẢI HỮU CƠ: Là những loại rác dễ dàng phân hủy (thường gọi là rác nhà bếp): như thức ăn thừa, rau, củ quả hư hỏng, vỏ trái cây, vỏ trứng, các loại bã trà, cá phê, lá cây được cắt tỉa, rơm rạ sau khi thu hoạch…: được bỏ vào thùng/xô có ghi chữ “RÁC THẢI HỮU CƠ” và có 2 cách xử lý: 1- tận dụng làm thức ăn chăn nuôi heo, gà, vịt... đối với gia đình có chăn nuôi hoặc cho các hộ gia đình xung quanh thôn/xóm có chăn nuôi; 2-dùng men vi sinh ủ làm phân hữu cơ phục vụ trồng cây cảnh, rau an toàn ở hộ gia đình.
* RÁC THẢI TÁI CHẾ: là những rác thải vẫn còn giá trị sử dụng bằng cách sử dụng lại hoặc tái chế thành vật liệu mới. Ví dụ như: quần áo cũ, hộp, chai, lọ nhựa, thùng carton, giấy báo, bì nilông, kim loại, thủy tinh ... được Hội LHPN xã, phường vận động thu gom bỏ vào “Ngôi nhà xanh” trong mô hình “Phân loại rác thải, thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn” ở thôn/khu vực hoặc được hộ dân thu gom bán ve chai (UBND xã kiểm soát việc hộ dân chuyển qua cho cơ sở thu gom, tái chế).
* RÁC THẢI NGUY HẠI: là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có tính nguy hại khác. Ví dự như như: các loại pin, bình acquy, bóng điện huỳnh quang, chai lọ hóa chất, hộ gia đình bỏ vào bao nhựa, có ghi chữ “RÁC THẢI NGUY HẠI”; sau đó tập kết tại “Ngôi nhà xanh” hoặc “Thùng thu gom rác thải nguy hại” được bố trí tại Trụ sở thôn, khu vực để UBND xã, phường thu gom, xử lý trong thực hiện dự án thu gom bao, bì thuốc bảo vệ đồng ruộng.
3. Hướng dẫn ủ rác hữu cơ tại hộ gia đình bằng men vi sinh để làm phân hữu cơ
          3.1. Tại sao ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh để làm phân hữu cơ
Đây là hình thức đơn giản và phổ biến nhất để xử lý rác hữu cơ, phù hợp với các hộ gia đình vì có quy mô nhỏ. Xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh, nhằm tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong rác thải; phân giải nhanh rác thải có nguồn gốc động vật, thực vật, giảm tối đa mùi hôi thối trong quá trình phân hủy rác, hạn chế ruồi, nhặng, tạo ra phân bón hữu cơ dùng để trồng rau an toàn, cây xanh tại hộ gia đình, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của các gia đình hiện nay.
3.2. Vật dụng ủ rác hữu cơ
Thùng sơn, thùng/xô nhựa có nắp đậy kín; đào hố có nắp đậy (nếu nhà có vườn rộng). Tuy nhiên, việc ủ rác hữu cơ tại hộ tốt nhất là thùng nhựa HDPE, kích thước 120l, được gia công theo cấu tạo: Thùng có nắp che bớt nắng mưa nhưng thoáng khí; Có cửa ở gần đáy thùng để tiện việc lấy phân đã ủ và tiếp tục chu kỳ tuần hoàn phân mới, cửa lấy phân cách mặt đất 40cm, có độ rộng thuận lợi cho việc lấy phân. Có lổ và val để lấy nước rỉ từ chu trình ủ phân để dung hòa với nước tưới cho cây trồng; vòi x nước rỉ cách đáy thùng 15cm; có miếng lưới ngăn rác, tránh làm tắc vòi khi xả nước rỉ. Thùng ủ rác này sẽ tuần hoàn chu kỳ ủ phân; thuận tiện việc lấy phân sau khi ủ; đảm bảo vệ sinh môi trường và thẩm mỹ khi đặt trong nhà của hộ gia đìn









Thùng ủ rác thải hữu cơ sau khi được gia công
3.2. Kỹ thuật ủ rác thải hữu cơ bằng men vi sinh:
* Bước 1: chuẩn bị lớp lót men vi sinh dưới đáy thùng ủ
- Sử dụng lần đầu: rải 1 lớp men vi sinh gốc hoặc 1 lớp đất vi sinh hoặc 1 lớp tro, phân chuồng đã hoai dày khoảng 3-5 cm.
- Các lần sau: giữ lại 1 lớp phân hữu cơ đã ủ thành công, dày khoảng 3-5cm.
* Bước 2: Cho rác hữu cơ đã được phân loại cần xử lý vào thùng ủ; cứ 1 lớp rác, tưới 1 lớp nước men vi sinh sau khi được pha chế, cho đến khi đầy để yên 20 đến 30 ngày có thể lấy ra trộn với đất làm phân bón cho cây. Lần sau, có thể sử dụng nước rỉ từ thùng ủ để tưới lên rác. Nếu rác ướt nhiều, cần phủ 1 lớp rác khô lên bề mặt rác ướt, xen kẻ, 1 lớp rác ướt, 1 lớp rác khô.
* Bước 3: Sau 20-30 ngày, mở cửa lấy phân theo từng lớp và hằng ngày phân loại và mở nắp thùng bỏ rác và tưới 1 lớp rác, 1 lớp nước men vi sinh đã pha chế để tuần hoàn quá trình ủ rác thành phân hữu cơ.
* Cách nhân giống men vi sinh, từ men gốc
Chế phẩm vi sinh xử lý phế thải hữu cơ do Công ty cổ phần vi sinh ứng dụng, được Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam kiểm tra và xác nhận đảm bảo tính an toàn đối với sức khỏe con người và sinh vật trong quá trình sử dụng chế phẩm sinh học (giấy chứng nhận…), được Công ty cổ phần Yukifarm - Nhơn Hậu cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật pha chế và xử lý rác thải hữu cơ, tạo thành phân hữu cơ.
+ Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu: Nước sạch:15 lít; Men gốc dạng bột 200gr; Đường: 100gr hoặc 2kg mật rỉ
+ Bước 2: Pha dung dịch thứ cấp: Hòa 1 gói 200g  EMUNIV vào 15 lít nước sạch, bổ sung 100gr đường hoặc rỉ mật, ủ trong thùng sạch có nắp đậy 48 tiếng. để sử dụng trực tiếp ta lấy 1l dung dịch pha với 5l nước.     

Pha chế men vi sinh

Rác thải hữu cơ được cho vào thùng ủ và thành quả tạo thành phân hữu cơ
          * Lưu ý: để hạn chế nước rỉ, thức ăn thừa được lọc cho hết nước; không bỏ rác khó phân huy vào thùng ủ như: rác nhựa, cành cây cứng, xương động vật. Khi có nước rỉ thì lấy thau, can nhựa hứng và đổ lại thùng ủ rác hoặc pha chế tưới cây. Rác động vật nhỏ như lông gà, lông vịt, cá nhỏ...: cho vào thùng rồi dùng 1 lớp đất, tro, mùn chưa hoặc phân chuồng hoai phủ kín bề mặt; Thùng rác đặt ở nơi có bóng râm hoặc nơi nửa nắng, nửa bóng râm.
          * Các cách ủ phân hữu cơ
- Đối với hộ gia đình có diện tích vườn: đào hố để ủ phân hữu cơ. Cách làm: đào hố trong vườn ngang 60x60cm, sâu 100cm; có nắp đậy lên miệng hố, chèn gạch hoặc đất quanh miệng hố chống sạt; có gờ cao khoảng 10cm để tránh nước mưa chảy tràn vào hố. Hằng ngày, mang rác hữu cơ đổ vô hố/thùng ủ: Phun men vi sinh trong chai lên bề mặt rác ngay sau khi bỏ rác vào hố/thùng. Đậy nắp kín tránh ruồi muỗi.
- Đối với hộ gia đình không có diện tích vườn hoặc diện tích vườn nhỏ, thì 01 chuẩn bị thùng nhựa để xử lý rác như hướng dẫn ở phía trên.
          Lưu ý trong quá trình ủ rác: Trong 30 ngày đầu tiên

          - 7 ngày kiểm tra hố/thùng ủ một lần, kiểm tra tình trạng ruồi, muỗi, mùi để kịp thời xử lý phát sinh. Ví dụ: ruồi, muỗi nhiều cần tập trung kiểm tra nắp đậy, điều chỉnh cho kín, hoặc mùi phát sinh nhiều thì phải tăng cường bổ sung đường và vi sinh.
          - Trong quá trình ủ thấy rác khô, cần bổ sung thêm nước để đạt độ ẩm cần thiết cho vi sinh vật hoạt động hiệu quả
          - Sau 30 ngày: lớp đệm lót trở nên hoàn hảo cho xử lý rác hữu cơ, không cần kiểm tra thường xuyên.
4. Xây dựng mô hình “Phân loại rác thải tại hộ”
Năm 2023: 15 xã, phường thực hiện theo hướng: 7 xã, phường, gồm: Đập Đá, Nhơn Khánh, Nhơn Phong, Nhơn An, Nhơn Mỹ, Nhơn Lộc đã có ra mắt mô hình “Phân loại rác thải tại hộ” thì nhân rộng; 8 xã, phường còn lại chưa xây dựng mô hình thì triển khai các bước xây dựng mô hình Phân loại rác thải tại hộ, trong đó 02 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Nhơn Khánh và xã Nhơn Tân phải thực hiện phân loại rác thải tại hộ đạt trên 50%, trong đó chọn 01 thôn thực hiện phân loại, xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh theo phương án được phê duyệt.
- Bước 1. UBND chủ trì, phối hợp Hội LHPN, Mặt trận, các đoàn thể và Ban điều hành thôn/khu vực tiến hành khảo sát chọn thôn/khu vực nhân rộng hoặc xây dựng mô hình; lựa chọn hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải; yêu cầu lập danh sách số hộ gia đình hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia mô hình (có số điện thoại).
          - Bước 2. Hội LHPN xã, phường chủ trì, phối hợp UBND xây dựng hồ sơ, thủ tục thành lập mô hình, gồm: Kế hoạch xây dựng mô hình (trong KH có phần đánh giá khái quát thực trạng ở địa phương cho gọn, không làm 1 báo cáo khảo sát riêng, phân công nhiệm vụ cho các bộ phận, đơn vị thực hiện); Quyết định Ban điều hành, Tổ vận động, Quy chế hoạt động (như hướng dẫn thực hiện trong năm 2022, lấy hồ sơ mẫu của Nhơn Lộc, Nhơn An). Lưu ý: phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận chuyên môn, đơn vị thực hiện
          Đối với mô hình nhân rộng tại thôn/khu vực đã có thành lập mô hình rồi, thì chỉ cần làm 1 Quyết định nhận rộng mô hình, kèm theo danh sách hộ làm thành viên mô hình, sử dụng lại Ban điều hành, Tổ vận động và Quy chế hoạt động đã ra mắt trước đó.
 - Bước 3: Ra mắt và triển khai thực hiện mô hình
Tại buổi ra mắt mô hình: thông qua Kế hoạch, phương án thực hiện phân loại rác thải tại hộ; mời hộ dân ký cam kết thực hiện; hoàn chỉnh danh sách, thu kinh phí hộ dân đóng góp kinh phí để mua thùng đựng rác vô cơ (nếu xã, phường chỉ cấp 1 thùng) đối với đơn vị thực hiện mô hình “Phân loại rác thải tại hộ”. Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn cách thức phân loại, xử lý rác thải tại hộ cho các hộ gia đình tham gia mô hình.
Riêng Nhơn Tân và Nhơn Khánh: lấy ý kiến hộ dân về chủ trương thực hiện ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh theo cơ chế: Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó hộ dân đóng góp kinh phí khoảng 150.000đ/1 hộ để thi công thùng ủ rác và mua men vi sinh theo phương án.
- Bước 4: Tổ chức thu gom, tái chế, xử lý rác thải sau khi phân loại theo hướng dẫn như trên
          - Bước 5: theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị, đề xuất.
* Kinh phí thực hiện mô hình
- Thực hiện mô hình phân loại rác thải tại hộ, không có làm thủng ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh: kinh phí mua 02 thùng rác và 02 bao nhựa: nguồn kinh phí 30 triệu từ nguồn phân bổ của UBND thị xã; kinh phí của UBND xã, phường; vận động hộ dân tham gia đóng góp hoặc sử dụng thùng/xô, bao nhựa sẵn có của hộ gia đình tùy theo tình hình thực tế ở địa phương.

- Riêng đối với xã Nhơn Tân, Nhơn Khánh, chọn 01 thôn thực hiện phân loại, xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh: thực hiện theo cơ chế hỗ trợ của phương án được phê duyệt, theo hướng: Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong đó:
+ UBND thị xã: cấp 1 thùng nhựa HDPE, kích thước 120l để ủ rác hữu cơ; bố trí kinh phí biểu dương, hỗ trợ 500.000đ/1 tháng cho Tổ vận động của 2 thôn của Nhơn Khánh và Nhơn Tân khi vận động 50% hộ dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh đảm bảo.
+ UBND xã: cấp 1 thùng/xô nhựa để lưu chứa rác vô cơ; hỗ trợ kinh phí tiền xăng xe, nước uống cho Tổ vận động thực hiện đi từng ngõ, gõ từng ngõ vận động, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các hộ dân (Mức hỗ trợ tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo động viên cho các lực lượng trực tiếp tham gia vận động, kiểm tra, giám sát).
+ Các hộ dân: đóng góp kinh phí gia công thùng ủ rác hữu cơ và mua men vi sinh để ủ rác hữu cơ; dự kiến khoảng 150.000đ/hộ gia đình (Tổ vận động lập danh sách, ký cam kết và thu tiền đóng góp của các hộ dân) để chi trả cho đơn vị thi công và đơn vị cung cấp men vi sinh.
Phương thức, thời gian đi kiểm tra như sau:
- UBND và Hội LHPN xã thống nhất lịch đi kiểm tra việc thực hiện ở các thôn. Đồng thời, phân công Ban điều hành mô hình phụ trách từng thôn/xóm hoặc tuyến đường để thường xuyên kiểm tra.
- Tổ vận động phân công từng thành viên phụ trách từng tuyến đường/từng xóm để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các hộ dân.
Phương thức kiểm tra: từng thành viên phụ trách các tuyến đường hoặc xóm đi kiểm tra các túi “Rác vô cơ” của hộ gia đình được đặt, để trước mặt nhà để xe thu gom của Ban Quản lý dịch vụ đô thị thị thu gom theo lịch. Hộ dân thực hiện tốt khi phân loại đúng từng loại rác, thì sẽ không có rác thải hữu cơ và phế liệu, rác thải độc hại có trong bì rác vô cơ. Đồng thời, định kỳ 2 tuần hay 1 tháng, Tổ vận động phải xuống từng nhà kiểm tra thực tế việc phân loại, ủ rác hữu cơ bằng men vi sinh tại hộ gia đình.
 
       

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay165
  • Tháng hiện tại833
  • Tổng lượt truy cập23,556
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây